Ghe lúa được Công ty CP Gạo Ông Thọ cân ở vụ hè thu 2021 trong thời điểm dịch căng thẳng |
Với mục tiêu cung cấp gạo đặc sản cho thị trường, GOT có phương pháp canh tác bảo vệ môi trường và minh bạch nguồn gốc. GOT triển khai canh tác vùng nguyên liệu lúa hữu cơ trên bán đảo Cà Mau lần đầu hồi năm 2021. Chỉ vài tháng sau đó, làn sóng dịch thứ 4 bùng phát dữ dội, cũng là lúc mà công ty cần đàm phán về vùng lúa hữu cơ với nông dân.
Cùng lúc, lúa vụ hè thu đã lên xanh mướt tại các vùng nguyên liệu khác. Cả công ty gần như bị động vì lệnh giãn cách, hạn chế đi lại giữa các tỉnh thành, những đợt tiếp xúc thực tế giữa nông dân và cán bộ triển khai dự án bị đình lại. Một mặt nông dân tại vùng nguyên liệu lúa hữu cơ chưa được đào tạo kỹ thuật bài bản, mặt khác vùng nguyên liệu trong vụ hè thu lại sắp đến ngày thu hoạch.
Cùng nhà nông "lên mây" họp hành
GOT ngay lập tức bàn bạc với chuyên gia để lên kế hoạch làm việc trực tuyến cùng nhà nông, nhưng để thuyết phục họ cùng "lên mây" làm việc với công ty là chuyện không hề dễ dàng. Công ty lại phải liên lạc cùng chính quyền địa phương nhờ họ hỗ trợ nông dân cách sử dụng công cụ họp Zoom và tổ chức họp trực tuyến cùng nhà nông. Sau một tuần họp trên mạng, các hộ nông dân đã được tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ để không lỡ vụ mùa. Ngoài kỹ thuật canh tác, nhà nông còn được GOT đào tạo trực tuyến cách ghi chép các thông số kỹ thuật nuôi trồng theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc.
Ngày 9/7, dịch bước vào giai đoạn căng thẳng tại Sài Gòn, Chỉ thị 16 được áp dụng tại TP.HCM cũng là lúc nhu cầu trữ gạo trong dân lên đỉnh điểm, nhưng việc lưu thông nông sản không suôn sẻ vì có nhiều chốt chặn chống dịch. Trong khi đó, GOT cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất gạo lúc bấy giờ có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ lương thực thiết yếu cho người dân thành phố và các tỉnh miền Đông Nam bộ, kể cả các tỉnh phía Bắc.
Riêng GOT còn có nhiệm vụ tránh để xảy ra việc thiếu hàng cục bộ trong hệ thống vì phải xây dựng hệ thống phân phối cho vùng nguyên liệu vừa hình thành. Ban lãnh đạo GOT phải họp nhanh, thông tin nhanh, chỉ đạo liên tục, nhằm điều phối nhiều phương tiện để hệ thống vận chuyển được luân chuyển trót lọt. Đồng thời, công ty cũng tận dụng sức mạnh của chính quyền địa phương và tổ công tác giải cứu nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nhờ Bộ can thiệp để thông luồng vận chuyển gạo từ nhà máy ở các tỉnh miền Tây đến tận tay người dân.
Bà Dương Thanh Thảo - Phó giám đốc Công ty CP Gạo Ông Thọ đứng bên phải tấm hình giới thiệu các sản phẩm gạo ngon của công ty |
Đồng lòng vượt khó, giữ giá gạo bình ổn
Nhu cầu trữ gạo tại TP.HCM thường lên đỉnh điểm vào tháng 7 hằng năm. Rủi thay, đợt sóng thứ 4 của đại dịch lại rơi vào thời gian này. Từ sáng sớm đến nửa đêm, toàn bộ nhân lực của GOT sống trong tình trạng căng thẳng tột đỉnh vì bị điều phối liên tục, có người không chịu được áp lực lớn đã nộp đơn xin nghỉ việc. Vì vậy, không chỉ giỏi đối ngoại, ban lãnh đạo GOT cũng phải giỏi đối nội, điềm tĩnh cùng ngồi xuống với người lao động để giải quyết từng vấn đề một, giúp đội ngũ của mình lấy lại thăng bằng.
Đó cũng là lúc trong đội ngũ nhân viên của công ty xuất hiện F0, các phương án phòng dịch của GOT buộc phải tập trung vào nhóm nhân viên giao nhận (được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm cao nhất). Toàn bộ nhân viên bị xuống tinh thần trầm trọng với nỗi sợ bệnh tật bao trùm.
Tuy nhiên, vì đã chuẩn bị trước kịch bản cho tình huống này nên công ty nhanh chóng thành lập nhóm “GOT HỖ TRỢ VƯỢT COVID”, với nhiều biện pháp cùng phối hợp: Các bác sĩ tình nguyện được ban lãnh đạo GOT mời vào công ty tư vấn và chăm sóc nhân viên; nhân viên không bị nhiễm hỗ trợ cho người bị nhiễm; dự trữ đầy đủ bình oxy và trang thiết bị y tế cần thiết; hỗ trợ chi phí chữa trị và chi phí sinh hoạt ít nhất 1 tháng cách ly cho nhân viên bị nhiễm bệnh. Những biện pháp này đã nhanh chóng vực dậy tinh thần nhân viên. Trong suốt tâm dịch, chỉ có kho trung chuyển của GOT tạm ngưng để khử khuẩn, còn các sản phẩm gạo tại các nhà máy gia công liên tục được phân bổ ra thị trường bán lẻ để tiếp cận người dân.
Bà Dương Thanh Thảo - Phó giám đốc Công ty CP Gạo Ông Thọ cho hay trong lúc khốn khó nhất, ban giám đốc đã thuyết phục người lao động muốn nghỉ việc rằng môi trường làm việc với cường độ cao, áp lực liên tục và kéo dài này là cơ hội để họ học hỏi kinh nghiệm nhanh hơn bao giờ hết. Nhờ vậy, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên cùng đồng lòng làm việc với tinh thần vượt khó, kể cả khi bị vướng trong khu phong tỏa.
Cùng lúc đó, nắm được nhu cầu mua gạo của các nhóm thiện nguyện tại Sài Gòn rất lớn, giữa lúc giá gạo tại vùng dịch bị đẩy lên cao, GOT đã họp bàn trực tuyến cùng với các thương lái để hình thành sự liên kết giữ giá gạo bình ổn đến tay người dân.
Khi vượt qua thời điểm khó khăn nhất, bà Thảo chợt nhận ra chỉ trong vài tháng GOT đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất đúng kỹ thuật canh tác. Công ty cũng sắp xếp được chuỗi phân phối mới, mở đường cho vùng nguyên liệu non trẻ trong thời gian vận chuyển khó khăn nhất, những việc mà đầu năm 2021, công ty đã dự trù phải cần đến 5 năm.
Trong cái khó đã ló cái khôn, bà Thảo tự hào nói: "Lợi nhuận là thước đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng không là mục tiêu duy nhất mà Gạo Ông Thọ theo đuổi. Đồng hành giải quyết vấn đề xã hội và cùng góp sức xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn mới là sứ mệnh đáng để đội ngũ nhân sự và ban lãnh đạo Gạo Ông Thọ hướng tới. Thời điểm dịch chúng tôi đã làm được nhiệm vụ mà những tưởng sau vài năm có lãi mới làm được là hỗ trợ được nhiều nhóm thiện nguyện mang gạo đến cho hàng loạt công nhân bị mất việc".
Nhờ những nỗ lực như vậy, GOT đã được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) vinh danh là Én Xanh 2021, với ý nghĩa tôn vinh những doanh nghiệp kiên cường "như những cánh én", đã vượt qua tâm chấn của đại dịch và hồi phục mạnh mẽ.