(Agroviet) - Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với các sở, ngành hữu quan và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về tình hình tạm trữ lúa gạo năm 2013, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2014 của TP Cần Thơ. Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, tình hình xuất khẩu gạo của thành phố và cả nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội kinh doanh, khai thác tốt các thị trường mới thì đầu ra xuất khẩu gạo sẽ rộng mở…
Khắc phục hạn chế
TP Cần Thơ có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, thuận lợi xuất khẩu gạo và hỗ trợ tiêu thụ lúa cho nông dân. Nhưng hạn chế lớn trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại thành phố là còn yếu kém về hệ thống lò sấy, kho trữ lúa và chưa chủ động điều tiết cung - cầu lúa gạo. Theo đánh giá của ngành chức năng, do phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa theo hướng tập trung đồng loạt, áp lực lúa gạo hàng hóa bán ra trong dân rất lớn vào vụ thu hoạch rộ, nhất là khi nông dân đồng loạt bán lúa tươi. Song, khả năng thu mua lúa của doanh nghiệp lại hạn chế. Doanh nghiệp chủ yếu thu mua gạo từ thương lái lau bóng xuất khẩu, chưa thể trữ hàng lâu để chọn thời điểm thích hợp xuất khẩu giá cao. Giá bán lúa của nông dân thường giảm mạnh khi bước vào mùa thu hoạch rộ là hệ quả khó tránh khỏi.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Để làm tốt khâu bảo quản và điều tiết, giảm áp lực cung cầu, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có hệ thống lò sấy, kho chứa lúa và Nhà nước cần có các cơ chế chính sách phù hợp để giúp doanh nghiệp nhanh chóng đảm bảo yêu cầu này". Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Cờ Đỏ, cho rằng: "Để đảm bảo sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững lâu dài cần phải tăng cường liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp và Nhà nước, phải có chính sách ưu đãi doanh nghiệp thu mua lúa trực tiếp của nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống lò sấy, kho chứa lúa tại các vùng nguyên liệu để thu mua lúa trong dân kịp thời và bảo quản được lâu nhằm giảm áp lực bán gạo ra khi vào vụ thu hoạch rộ".
Mua gạo lứt nguyên liệu xô thông qua thương lái về lau bóng để xuất khẩu như hiện nay là cách làm chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận rõ được điều này và cho rằng phải liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư nhiều cho hệ thống sấy và kho chứa lúa. Bởi trữ lúa không chỉ giữ được lâu mà chất lượng gạo từ hạt lúa mua trực tiếp của nông dân về sấy cũng tốt hơn hẳn so với lúa phơi và gạo lứt nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường. Nhưng muốn làm được điều này, phải có quyết tâm của doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các ngành chức năng địa phương và các bộ ngành Trung ương. Trong đó, cần phát huy hiệu quả liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp qua mô hình "cánh đồng lớn" và có các cơ chế chính sách khuyến khích kịp thời, cụ thể…
Quan tâm khai thác thị trường mới
Xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2014 dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống và đối thủ mới nổi. Để duy trì và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp trong nước không nên chạy theo số lượng mà phải chú ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng giá trị, đồng thời chú ý khai thác các thị trường mới, nhất là các thị trường tiêu thụ gạo cấp cao. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ và nhiều chuyên gia và tham tán thương mại dự đoán, năm 2014 khả năng Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu gạo tiềm năng; các thị trường xuất khẩu gạo Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Phi… tiếp tục duy trì tốt. Đặc biệt, nhiều thị trường tiêu thụ gạo mới như Dubai và các quốc gia vùng Trung Đông… có khả năng tiêu thụ khả quan. Ngoài ra, thị trường Úc và châu Âu cũng đang rộng mở đối với một số loại gạo cấp cao… "Thị trường đầu ra còn nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh và quan tâm khai thác các thị trường mới" -ông Toại nhận định.
Năm 2014, TP Cần Thơ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 1 triệu tấn gạo, tương đương giá trị 516,5 triệu USD. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, diện tích và sản lượng sản xuất lúa tại thành phố trong năm nay sẽ từ bằng đến cao hơn so với năm 2013. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi về nguồn cung lúa gạo hàng hóa phục vụ các doanh nghiệp xuất khẩu. Vấn đề là các doanh nghiệp cần làm sao để nâng cao được chất lượng sản phẩm và giá trị gạo xuất khẩu để có sự hỗ trợ tích cực ngược lại cho nông dân. Trên thực tế, khoảng 3 tháng qua, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Một số nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan đã đẩy mạnh xả hàng và giảm giá nhưng vẫn khó tiêu thụ do nhu cầu từ nhiều nước nhập khẩu gạo đang yếu. Nhưng đầu ra trong xuất khẩu gạo ở nước ta vẫn khá tốt và giá gạo xuất khẩu đã tăng so với trước và đã vượt hơn 20-25 USD/tấn so với giá xuất khẩu gạo của Thái Lan. Theo ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, giá xuất khẩu gạo nước ta nhích lên trong thời gian qua là do nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước đã tận dụng tốt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường một số nước lân cận với giá cao hơn từ 30-50 USD/tấn so với xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục ký được các hợp đồng xuất khẩu tập trung qua các thị trường truyền thống, cụ thể như hợp đồng xuất 500 nghìn tấn gạo đi Philippines mà các doanh nghiệp đang thực hiện giao hàng cũng phát huy vai trò tích cực trong hỗ trợ đầu ra. Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ tiếp tục thuận lợi về giá và hỗ trợ tích cực lại cho đầu ra lúa gạo của nông dân nếu hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, tiếp tục được thực hiện tốt. Là một doanh nghiệp lớn, Gentraco không tham gia xuất khẩu tiểu ngạch, nhưng để giải quyết đầu ra sản phẩm và nâng cao giá xuất khẩu, công ty đẩy mạnh tiêu thụ hàng ở nội địa và nắm bắt các cơ hội để tăng cường xuất khẩu gạo vào các thị trường cấp cao.
Dù còn gặp nhiều khó khăn và đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn, song với sự quan quan tâm khắc phục các khó khăn và tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh, tin rằng các doanh nghiệp sẽ tạo được thuận lợi cho lúa gạo xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh, gạo là mặt hàng xuất khẩu quan trọng không chỉ giúp đem về nguồn ngoại tệ mà còn có vai trò giúp hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho nông dân, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho lao động ở nông thôn. Các sở, ngành hữu quan thành phố hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp; kịp thời kiến nghị lên cấp trên các vấn đề vượt thẩm quyền để giải quyết ngay…
Nguồn: Báo Cần Thơ ngày 09/01/2014