View: ..

Xây Dựng Thương Hiệu Gạo - Hành Trình Gian Khó


Việc một nước xuất khẩu đến 7 triệu tấn gạo mỗi năm như Việt Nam mà vẫn chưa có bộ giống lúa quốc gia là điều đáng ngạc nhiên.

Tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch của ngành gạo Việt Nam cao hơn nhiều so với một số nước khác tại châu Á. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của nông dân

Việt Nam vẫn tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với khối lượng xuất khẩu đạt hơn 7 triệu tấn/năm. Nhưng ít ai nhắc đến thị trường tiêu thụ nội địa có tổng sản lượng lên đến 21 triệu tấn, gấp 3 lần khối lượng xuất khẩu Tuy nhiên, đây là thị trường đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn.

Ngoài 10% các sản phẩm được tiêu thụ trong kênh siêu thị, phần còn lại xem như được để cho tự phát triển. Đó là một thị trường tự do đến nỗi hầu như không ai có thể quản lý nổi chất lượng hay nguồn gốc, giá cả, kênh phân phối… Đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn phải chạy theo lợi nhuận bằng cách pha trộn các sản phẩm với nhau để có giá thấp hơn. Người tiêu dùng chỉ biết tin vào “ông chủ cửa hàng gạo” thay vì phải tin vào thương hiệu của nhà sản xuất.

Nếu doanh nghiệp Việt không xây dựng được thương hiệu gạo ngay tại sân nhà thì sẽ khó mà xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Thua ở kênh bán hàng truyền thống

Thực ra, các doanh nghiệp nội địa đã làm thương hiệu gạo cao cấp từ rất lâu. Ví dụ như Gentraco với Ngọc Đồng, ITA Rice với gạo Hương Lúa, ADC với gạo Tứ Quý, Công ty Viễn Phú với gạo hữu cơ Hoa Sữa, Bảo vệ Thực vật An Giang với gạo Bảy Núi, Công ty Gạo Sạch với gạo Ông Thọ. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu này không thâm nhập kênh bán hàng truyền thống, vốn đang chiếm đến 90% thị trường tiêu thụ nội địa.

Để có được những sản phẩm đạt chuẩn, nhà sản xuất phải hợp tác với nông dân, phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về quản lý chất lượng, có nghĩa phải đầu tư rất lớn để cho ra sản phẩm chất lượng. Thế nhưng, thương lái chỉ cần trả giá cao hơn 300 đồng/kg lúa là xem như họ đã tước đoạt toàn bộ công sức đầu tư của các nhà sản xuất. Số gạo này được họ bán tại thị trường nội địa với giá rẻ hơn do không phải đầu tư, không phải gánh thuế, không làm thương hiệu. Đôi lúc giá bán rẻ hơn khoảng 15%. Đây chính là lý do khiến các thương hiệu gạo Việt không thể phát triển được tại kênh truyền thống.

Một lý do quan trọng khác là Việt Nam chưa có bộ giống lúa quốc gia tiêu chuẩn. Một quốc gia xuất khẩu đến 7 triệu tấn gạo mỗi năm mà chưa có bộ lúa giống quốc gia là điều đáng ngạc nhiên, theo lời Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Công Thành, Trưởng Bộ môn Giống, Đại học Cần Thơ.

Công nghệ sau thu hoạch cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch của Việt Nam hiện vào khoảng 14,5% trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan là 8% và Nhật 3,5% (theo số liệu của Tiến sĩ Bùi Chí Bửu tại Hội thảo về phát triển ngành gạo tổ chức tại Cao Lãnh vào cuối tháng 3.2012). Tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của nông dân. Chính vì thế, hầu hết họ không dám trồng các giống lúa mùa hoặc lúa cao cấp trừ phi được bao tiêu sản phẩm.

Đi tìm Giải pháp

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã khởi xướng mô hình cánh đồng mẫu lớn với mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo người viết, cần bổ sung thêm nhà thứ 5, đó là nhà truyền thông. Bởi lẽ, nếu xác định lợi thế quốc gia là nông nghiệp, là ngành gạo thì Việt Nam phải có một chiến lược thương hiệu và truyền thông cấp quốc gia cho ngành này.

Cụ thể, bước đầu tiên trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt là phải đầu tư cho bộ giống lúa quốc gia. Bộ giống lúa này được xem là tài sản quốc gia, nên phải được đầu tư một cách bài bản và có chiến lược. Tại Việt Nam, đã có một số chuyên gia làm được điều này như Tiến sĩ Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Sóc Trăng với giống lúa ST5 và ST21 nổi tiếng; Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Công Thành và Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út với bộ giống lúa chịu mặn - Một Bụi Đỏ và Một Bụi Hồng - trên vùng đất lúa tôm Bạc Liêu; hay ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú, với sản phẩm gạo hữu cơ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải xem việc phát triển bộ giống lúa là một chiến lược quốc gia.

Thứ hai là giải pháp kênh phân phối. Ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam là xây dựng kênh phân phối nội địa; hầu hết họ đều thành công và phát triển ổn định. Điều này cũng không hoàn toàn ngoại lệ với ngành gạo. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công, việc đầu tiên là phải xây dựng cho được kênh phân phối và chiến thắng trên thị trường nội địa trước.

Giảm tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch bằng cách đầu tư vào công nghệ là điều cần làm ngay. Nhà nước cần có quy chuẩn về nhà máy xay xát, kho bãi chứa lúa, máy sấy lúa, tiêu chuẩn Việt Nam cho ngành gạo… Nghị định 109/NĐCP về xuất khẩu gạo đã đề cập đến các vấn đề nêu trên, nhưng cần phải quan tâm hơn nữa đến những vấn đề này. Bởi lẽ, Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh về giá nếu như tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch vẫn cứ cao.

Nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn và mô hình liên kết 5 nhà” cũng là việc làm bức thiết nhằm hạn chế quy mô sản xuất nhỏ lẻ của nông dân và xuất khẩu gạo “xô” (loại gạo hỗn tạp, chất lượng, kích thước hạt không đồng đều) theo đơn đặt hàng. Đây là mô hình của chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân chứ không phải là chương trình riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh giống và thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay.

Cuối cùng, như lời của Giáo sư Võ Tòng Xuân tại một hội thảo về phát triển lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào đầu năm 2012 là Nhà nước đừng để “nông dân tự bơi trong biển cả Tổ chức Thương mại Thế giới nữa”. Về điều này, Nghị quyết Trung ương 4 về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã thể hiện rất cụ thể. Vấn đề là giám sát triển khai như thế nào để Nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống của nông dân. 

(*) Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gạo Sạch.

Bài viết có sử dụng tư liệu của Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bảnh tại Hội thảo về phát triển lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long tại Cao Lãnh vào tháng 3.2012